Ngôi nhà mang tên Bi House nằm ở vùng ngoại ô thành phố Nha Trang với diện tích xây dựng 80 m2. Gia chủ là cặp vợ chồng trẻ, mong muốn xây dựng một ngôi nhà phá cách, khác với những thiết kế truyền thống.
Dù có khoảng sân vườn rộng bao quanh nhưng vì hướng Tây nên công trình rất nóng vào mùa hè.
Ngôi nhà nằm trong khu dân cư đông đúc, mật độ bê tông hóa dày đặc khiến không gian cây xanh tự nhiên dần bị thay thế bởi những công trình xây dựng. Khi thiết kế, kiến trúc sư đã cố gắng trả lại nhiều nhất diện tích cây xanh bằng cách bố trí những mảng xanh len lỏi khắp các không gian. Ngoài việc tạo ra một lớp lá chắn tự nhiên trước nhiệt độ, tiếng ồn và khói bụi, mảng cây xanh bao quanh còn mang đến cho ngôi nhà một diện mạo khác lạ khi nhìn từ bên ngoài.
Tầng trệt của Bi House có đầy đủ tiện nghi như sân vườn, bể bơi, phòng sinh hoạt chung được thiết kế dạng mở liền mạch. Mỗi một không gian đều có cửa kính cỡ lớn kết nối ra sân vườn và bể bơi của ngôi nhà.
Vị trí hai phòng ngủ ở tầng giữa được xem là nơi hấp thụ nhiều nhất nhiệt độ cao vào buổi chiều và khó khăn trong việc thông gió tự nhiên.
Giải pháp kiến trúc sư đưa ra là tạo một rãnh sâu chia đôi hai không gian. Rãnh sâu này kéo dài xuyên suốt từ tầng trệt lên đến sân thượng nhằm tạo khoảng trống thông gió cho căn hộ.
Hai phòng ngủ vì thế có thêm một khoảng thở và thông gió ở rãnh sâu. Khi không khí đi qua vị trí này, chênh lệch áp suất sẽ diễn ra. Theo hiệu ứng hang động, gió được cuốn và xoáy vào khu vực này rồi theo các ô cửa lùa vào các phòng.
Ngoài ra, từ trên tầng thượng, ở vị trí rãnh sâu các cây cúc tầng đang phát triển. Tương lai sẽ rủ dài xuống và tạo thành một mảng xanh như thác nước chắn nắng chiều và giảm nhiệt cho khu vực giữa nhà.
Một lớp tường thứ hai được kiến trúc sư thiết kế bao bọc phía ngoài ngôi nhà nhằm che chắn, giảm bớt bức xạ nhiệt theo hướng ngang.
Lõi tường này gần như một chiếc mặt nạ không chỉ che chắn nhiệt của nắng chiều mà còn chống ồn và bụi, đồng thời tạo ra một diện mạo độc đáo cho ngôi nhà.
Hai khoảng trống thông gió (giếng trời) được đặt tại vị trí phía sau và phía trên khu vực cầu thang giữa nhà giúp đối lưu không khí.
Dưới giếng trời còn trồng thêm cây khế, không chỉ tạo góc nhìn đẹp mà khiến các phòng trong nhà đều thông thoáng, mát mẻ.
Mỗi khi ánh nắng chiếu qua khung sắt hình hoa- trụ nâng đảm bảo an toàn cho giếng trời- tạo nên những hiệu ứng bóng đổ đẹp mắt.
Mảng xanh được bố trí xung quanh nhà. Không chỉ làm đẹp, những mảng xanh này còn có chức năng thông gió, chắn nắng...
Hai loại cây được sử dụng nhiều nhất tại Bi House là khế và lộc vừng, bởi đây là những loài thân gỗ dễ trồng, dễ chăm sóc.
Xuyên suốt các không gian, các ô kính được sử dụng linh hoạt ở nhiều vị trí khác nhau nhằm mang ánh sáng tự nhiên vào bên trong công trình cũng như hạn chế tối đa việc tiêu thụ điện năng.
Phía trước bồn tắm lộ thiên ở phòng ngủ Master có một lớp cửa nhôm kính với hệ ray trượt đặc biệt. Khi trượt ra hết gần như không có ngăn cách giữa không gian bên trong và bên ngoài. Khi cần có thể trượt đóng lại nhằm bảo đảm an ninh.
Sức hấp dẫn của bồn tắm lộ thiên chính là cảm giác rộng rãi, thoải mái, gần gũi thiên nhiên, đồng thời khiến gia chủ có cảm giác như đang ở trong resort.
Mái nhà được trồng cỏ Nhật giúp giảm bức xạ nhiệt theo hướng từ trên xuống.
Trước khi trồng cỏ, công trình được chống thấm qua 4 lớp gồm lớp bê tông hoàn thiện, lớp hoá chất chống thấm chuyên dụng và hai lớp module chuyên sử dụng để trồng cỏ trên mái mà không gây ngập nước cũng như thấm ngược.
Bản vẽ của công trình.
Ngôi nhà hoàn thiện trong khoảng 6 tháng với chi phí 4,5 tỷ đồng.
Trang Vy
Đơn vị thiết kế: Pham Huu Son Architects
KTS chủ trì: Phạm Hữu Sơn
Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki
Ánh sáng: Galaxy Led